Những mô hình thâm canh rau màu ở Yên Phú

Nhiều năm qua, xã Yên Phú (Yên Mỹ) là điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nông dân trong xã sản xuất đa dạng các loại cây rau màu và cây ăn quả bằng các biện pháp luân canh, xen canh nâng thu nhập bình quân trên 1 ha rau màu của xã lên 150 triệu đồng/năm.

Với lợi thế về đất đai màu mỡ và kinh nghiệm của bà con trong xã về sản xuất rau màu, xã Yên Phú vốn có truyền thống trồng, thâm canh rau màu đạt hiệu quả cao. Khoảng 10 năm gần đây phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng rau màu, cây ăn quả phát triển mạnh thực sự đổi thay cuộc sống nhân dân trong xã. Hiện nay, xã Yên Phú có diện tích trồng các loại cây rau màu, cây ăn quả lên tới 947 mẫu, bằng 68,5% tổng diện tích gieo trồng của xã. Trong đó rau màu các loại 457 mẫu, cây ăn quả 320 mẫu và 170 ngô. Rau màu và cây ăn quả trồng trên đồng đất Yên Phú có hàng chục loại cây, trong đó phổ biến là cải ngọt, cải đông dư, cà chua, ngô ngọt, đỗ leo, mướp đắng, dưa chuột, su hào, bắp cải, bí; cam đường canh, bưởi diễn, táo, chuối…  Mùa nào cây ấy, nông dân Yên Phú không cho đất nghỉ nên đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Ranh giới giữa thời vụ chính xuân hè, hè thu và vụ đông hàng năm bị xoá nhoà trên đồng ruộng Yên Phú bởi bà con nơi đây liên tục trồng luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại cây rau màu. Từ thực tế sản xuất nông dân Yên Phú có những “công thức” luân canh, xen canh rau màu rất hiệu quả. Chẳng hạn như vụ đông cây bí leo cần bảo đảm gieo trồng đúng thời vụ nên khi cà chua, cà pháo bắt đầu rạc nông dân đã làm bầu cho bí trồng xen canh với cà chua, cà pháo. Ớt là cây trồng dài ngày (12 tháng) được trồng xen canh giữa các luống cải bắp. Thu hoạch xong cải bắp, bà con có thể tiếp tục thu hoạch ớt. Với giá bán bình quân 3.000 đồng/kg bắp cải và 18.000 đồng/kg ớt, mỗi sào bắp cải cho thu nhập 7,5 triệu đồng/vụ và mỗi sào ớt cho thu nhập 12,6 triệu đồng/năm. Trồng xen canh bắp cải và ớt, bà con có thể đạt thu nhập hơn 20 triệu đồng/sào/năm. Hoặc bà con trồng xen canh rau màu, cây dược liệu ngắn ngày trên những diện tích trồng cây ăn quả là tăng hiệu quả sử dụng đất. Điển hình là trồng xen canh địa liền với cam, bưởi. Để cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh, bà con trong xã liên tục trồng luân canh theo công thức rau-ngô-đỗ, lạc-rau-ngô… Nhờ các biện pháp trồng luân canh, xen canh, hệ số sử dụng đất trồng rau màu của xã tăng lên 4-5 lần/năm. Bên cạnh đó bà con đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng được nhiều loại rau màu trái vụ như cà chua, cải bắp, cải trắng. Những rau màu trái vụ thường bán được giá, cao hơn khoảng 30% so với giá bán khi chính vụ. Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân trong xã, thu nhập bình quân từ 1 sào trồng rau màu của xã 5-7 triệu đồng/sào/năm, tương đương 150 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất rau màu ở xã phát triển mạnh đã hình thành nghề làm cây giống các loại rau màu tập trung ở thôn Mễ Hạ. Hàng năm, các hộ làm cây rau màu giống cung ứng hàng trăm triệu cây giống cho nông dân trong xã, các địa phương lân cận và các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung mang lại thu nhập cao. Một số chủ hộ chuyên ươm giống các loại cây rau màu, làm cây giống các loại rau màu cho thu nhập cao gấp 2-3 trồng rau màu nhưng đầu tư lớn, bận rộn và rủi ro cao hơn. Chủ tịch UBND xã Yên Phú Hoàng Hữu Hải cho biết để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là thâm canh rau màu, cây ăn quả, bên cạnh các chính sách định hướng, khuyến khích xã tập trung tạo môi trường, tạo các điều kiện thuận lợi nhất phục vụ sản xuất của nhân dân. Trước hết xã đặc biệt  quan tâm bảo đảm chủ động khâu tưới tiêu cho các diện tích trồng rau màu của bà con. Cùng với hệ thống trạm bơm, kênh mương của Nhà nước do Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi huyện quản lý, xã đã xây dựng 7 trạm bơm dã chiến, hàng năm nạo vét gần 10 nghìn m3 bùn đất thuỷ lợi nội đồng, xây dựng kiên cố hoá 1 km kênh mương. Do đó xã hoàn toàn chủ động tưới tiêu cho 100% diện tích trồng rau màu cây ăn quả trên địa bàn. Đồng thời xã đang tiến hành đầu tư xây dựng trải bê tông các tuyến đường ra đồng cho tất cả các thôn trong xã. Dự kiến đến năm 2013, xã sẽ hoàn thành xây dựng hơn 10 km đường ra đồng, bằng 30% tổng chiều dài đường giao thông nội đồng của xã. Các tuyến đường sẽ được trải bê tông rộng 2-,2,5 m khi hoàn thành sẽ phục vụ nông dân thuận lợi trong sản xuất, đặc biệt là những người buôn bán rau, củ, quả có thể đưa ô tô đến tận ruộng thu mua nông sản cho nông dân. Ngoài ra xã tăng cường công tác an ninh trật tự, thông tin bố trí các điểm thu mua nông sản dọc đường 206 không để xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán giữa những người thu mua nông sản ở nơi khác đến với những người ở địa phương. Nếu có nhu cầu, những người thu mua rau củ quả có thể được xã giúp thông báo miễn phí trên hệ thống loa truyền thanh về số lượng rau củ, quả cần mua và giá thu mua rau, củ, quả của mình để các hộ dân trong xã có nông sản cung ứng kịp thời.

Hiện nay trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình, các hộ nông dân trong xã khá năng động và linh hoạt lựa chọn cây trồng trong mỗi vụ, mỗi năm phù hợp với nhu cầu thị trường bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao. Song thực tế này khiến các diện tích trồng các loại rau màu ở xã còn đan xen chưa hình thành được những vùng chuyên canh rộng lớn, trồng rau an toàn. Nhằm thúc đẩy bà con đổi mới tư duy, tiếp cận với phương thức sản xuất tiến bộ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, xã đã tiếp nhận và triển khai dự án trồng rau an toàn quy mô 3 ha với 40 hộ dân tham gia trong 3 năm. Theo đó các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ giống, sử dụng phân bón vi sinh đúng cách, đúng liều lượng, quy trình kỹ thuật thâm canh…để sản xuất các sản phẩm rau sạch cung ứng cho thị trường. Qua đó xã bước đầu hình thành mô hình vùng sản xuất rau tập trung lớn, chú trọng các loại rau củ quả ít sâu bệnh và phát triển nhân rộng. Đây là hướng đi lâu dài của xã phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng rau màu theo hướng bền vững và tiến lên quy mô lớn.

Theo baohungyen.vn