Công nhân thời “bão giá”

Tình trạng tăng giá của nhiều mặt hàng như điện, xăng dầu, thực phẩm… đã khiến hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khó khăn hơn đang tìm mọi cách để thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ “bão giá” . Một nghịch lý đang diễn ra khá phổ biến là giá cả tăng mạnh trong khi lương công nhân lại không tăng, làm cho đời sống của đa số công nhân ngày càng khốn khó.

“Vừa mới có thông tin là từ đầu tháng 3 giá điện tăng thì hôm sau đã thấy chủ nhà thông báo tiền điện tháng sau tăng từ 1,5 nghìn đồng lên 2 nghìn đồng/số điện…”, vừa tranh thủ nấu bữa cơm chiều, chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty May Hồ Gươm (thị trấn Bần, Mỹ Hào) vừa thở dài tâm sự với chúng tôi. Mọi sinh hoạt của gia đình chị Liên gồm 2 vợ chồng và cậu con trai 3 tuổi được gói trọn trong căn phòng trọ rộng 12 m2, thuê với giá 400 nghìn đồng/tháng. Cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân may, tổng thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3,5 đến 4 triệu đồng, nhưng riêng tiền gửi con, tiền nhà, tiền điện, nước đã mất 1,5 triệu đồng, số tiền còn lại để dành cho ăn uống, sinh hoạt. Chị Liên nói: “Cầm tiền đi chợ mà cứ ngẩn người ra như bị ai móc mất tiền vì thứ gì cũng đắt, mua lặt vặt rau cỏ và 1 ít thịt cá đã ngốn mất mấy chục nghìn, ngoài ra còn tiền gạo, mắm muối... Với số tiền trên, việc chi tiêu hàng tháng của gia đình chị còn khó khăn chứ không nói đến việc để dành".

Cùng xóm trọ với gia đình chị Liên có chị Nguyễn Thị Bích, công nhân Công ty giầy Ngọc Tề (Yên Mỹ). Chị Bích mới chuyển đến đây ở được hơn 1 tháng, nguyên nhân là chủ nhà cũ của chị lấy tăng tiền nhà, thấy giá cao quá nên chị rủ 1 người bạn cùng công ty tìm phòng trọ khác. “Chịu khó đạp xe xa một chút nhưng lại giảm được tiền phòng, cũng là tiết kiệm được một khoản chi tiêu kha khá rồi”, chị Bích chia sẻ. Cả xóm có 30 phòng trọ thì đa số đều do những người lao động có thu nhập thấp thuê. Rất ít người có xe máy để đi làm, thế nhưng những người có xe máy thì lại muốn đổi phương tiện vì giá xăng tăng cao. Anh Cao Văn Thông, một trong số ít người trong xóm trọ sắm được xe máy đi làm cũng đang tính cách bán xe để tiết giảm chi tiêu. “Tôi đang tìm người mua chiếc xe máy này vì với đồng lương ít ỏi lại phải “cõng” thêm mấy trăm nghìn tiền xăng xe hàng tháng thì xót quá…”, anh Thông cho biết.

Vào một ngày đầu tuần của tháng 3, chúng tôi có mặt tại khu nhà trọ công nhân (thị trấn Bần, Mỹ Hào). Đang trong giờ làm việc nhưng một số công nhân vẫn được nghỉ ở nhà. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, công nhân Công ty T & T Hưng Yên cho biết: Từ đầu tháng 3, Điện lực Hưng Yên thực hiện cắt điện luân phiên nên cứ ngày đi làm, ngày nghỉ. Tiền lương tính theo ngày công lao động, những ngày nghỉ đều không có lương. Lương đã thấp, lại thêm chuyện nghỉ việc vì mất điện khiến cho nhiều người nhấp nhổm muốn bỏ việc. Không riêng gì anh Hùng, hàng nghìn công nhân ở các doanh nghiệp may, cơ khí, giặt là,… cũng đang trong tình trạng “nghỉ luân phiên” với lý do công ty ngừng sản xuất “chờ” điện.

 

 

Trước thực tế giá các loại hàng hóa, dịch vụ không ngừng tăng, đa số người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là đội ngũ công nhân tại các khu công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và phải tự tìm giải pháp để thắt chặt chi tiêu, ổn định cuộc sống. Có mặt tại một chợ gần khu công nghiệp của huyện Mỹ Hào vào giờ tan tầm, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng nghìn công nhân từ các xưởng sản xuất, nhà máy... đổ ra đường, tìm đến các sạp hàng bán rau, đậu... để mua đồ chuẩn bị cho bữa tối. Đứng tần ngần ở giữa chợ một lúc mà chị Bùi Thị Nga (công nhân công ty May Hồ Gươm) không biết mua gì cho bữa ăn tối. Chị Nga cho biết: Từ ngoài tết đến nay giá các loại rau, củ, quả, thịt, cá... đều tăng từ 10 đến 20% khiến những người đi chợ phải cân nhắc, đắn đo thật kỹ để làm sao cho bữa ăn vừa rẻ, lại vừa phải có đủ chất, bảo đảm sức khỏe cho công việc. Ngoài ra, việc sắm sửa quần áo, giầy dép cũng phải hạn chế để giảm gánh nặng chi tiêu...

Trao đổi với chúng tôi, ông Luyện Phương Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 3000 doanh nghiệp với trên 7 vạn công nhân đang làm việc trong các nhà máy, phân xưởng. Đa phần họ đều đang ở độ tuổi lao động, trung bình từ 18 đến 40 tuổi. Điều trăn trở là đời sống của đại bộ phận công nhân đang hết sức khó khăn. Với mức lương bình quân từ 1,7 đến 2,5 triệu đồng/tháng, họ phải tự cân đối mọi nhu cầu chi tiêu trong tình cảnh giá cả của hầu hết các mặt hàng đang ngày càng có xu hướng tăng cao. Trước thực tế đó, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã có ý kiến đến các công đoàn cơ sở để kịp thời có kiến nghị, đề nghị các doanh nghiệp quan tâm chăm lo, hỗ trợ công nhân trong lúc khó khăn. Một số doanh nghiệp đã có động thái điều chỉnh tiền lương cho công nhân lên khoảng 50 đến 100 nghìn đồng/tháng, tuy nhiên với số tiền ấy dường như vẫn không thấm gì so với sự "leo thang" của giá cả. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp còn tỏ ra thờ ơ, hoặc nêu đủ lý do để thoái thác việc hỗ trợ này.

baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
16 người đang online