Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng ở Yên Mỹ

Thực hiện chủ trương chính sách của tỉnh về hợp tác đầu tư, với lợi thế là một huyện có hệ thống giao thông phát triển, có các tuyến quốc lộ 5, quốc lộ 39... chạy qua địa bàn, những năm gần đây, huyện Yên Mỹ nổi lên là một “điểm sáng” về thu hút đầu tư. Đến nay, huyện đã tiếp nhận 116 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 4500 tỷ đồng và 132 triệu USD. Trên địa bàn huyện hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Phố Nối B, cụm công nghiệp Trung Hưng ...

Giờ sản xuất tại Công ty điện lạnh Hòa Phát, đóng trên địa bàn huyện Yên Mỹ

Sự thành công trong lĩnh vực hợp tác đầu tư ở huyện Yên Mỹ có vai trò quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy công tác giải phóng mặt bằng hết sức phức tạp do “đụng chạm” đến quyền lợi của nhân dân, những yếu tố quản lý về đất đai do lịch sử để lại... Một số nơi có điều kiện vị trí  địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông phát triển nhưng công tác giải phóng mặt bằng yếu kém đã làm nản lòng các nhà đầu tư, kinh tế phát triển chậm. Ở Yên Mỹ, công tác giải phóng mặt bằng cũng có những trở ngại và khó khăn riêng như: tổng giá thành đền bù, hỗ trợ/m2 đất canh tác ở cùng vị trí thuận lợi như nhau nhưng ở 2 địa phương liền kề thì giá khác nhau... Hoặc trong quá trình lập phương án đền bù khi cán bộ địa chính đo lại diện tích ruộng thì rất nhiều hộ có diện tích thực tế khác nhiều so diện tích trên giấy tờ, hộ thì diện tích thực tế lại rộng hơn, hộ thì diện tích thực tế lại hẹp hơn. Nguyên nhân  trước kia việc cấp và đo ruộng cho nhân dân chưa được chuẩn do việc đo đạc và tính toán diện tích bằng biện pháp thủ công, trình độ quản lý, chuyên môn hạn chế... Hoặc có những trường hợp không thuộc đối tượng chia đất theo nghị quyết 03 năm 1993 nhưng vẫn được chia và có sổ đỏ, nhiều đối tượng cũng không thuộc diện được chia đất nhưng có ruộng, ruộng không có sổ đỏ. Thậm chí một số ít hộ cố tình chây ỳ gây khó khăn cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng...

Từ thực tế này và những bài học giải phóng mặt bằng ở những địa phương đi trước trong lĩnh vực đầu tư, huyện đã đưa ra những chính sách và giải pháp triển khai công tác giải phóng mặt bằng khá hiệu quả. Trước hết là công tác tuyên truyền vận động nhân dân nắm rõ chủ trương chính sách của tỉnh trong lĩnh vực hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp- thương mại dịch vụ trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá. Phân tích, tuyên truyền về  những lợi ích của tỉnh của huyện, của xã và của từng hộ nông dân dành  đất cho công nghiệp đó là: tạo những bước phát triển đột phá về kinh tế, giải quyết nhiều việc làm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn từ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ  có mức thu nhập cao hơn, nâng cao trình độ dân trí, sự đổi mới nhận thức về nền kinh tế thị trường... Việc tiếp nhận các dự án đầu tư sẽ  giúp cho các  thôn, xã tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ lớn từ các dự án để xây dựng có sở vật chất, tạo nên sự đổi mới bộ mặt ở nông thôn... Thực hiện quy chế công khai, dân chủ và thực hiện đúng quy trình  trong công tác giải phóng mặt bằng là một yếu tố quan trọng phải được tổ chức và triển khai tốt từ việc họp và lấy ý kiến của nhân dân đến việc lập phương án đền bù, hỗ trợ thôn xã về tiền đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... Một vấn đề quan trọng khác là nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng. Một số cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng trình độ chuyên môn yếu, không nhiệt tình với công việc, chất lượng công việc làm kém phải điều chỉnh sửa đi làm lại nhiều lần sẽ gây những nghi kỵ, thắc mắc trong nhân dân dễ dẫn đến những hiểu lầm và gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.. Bên cạnh đó sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của các cấp, các ngành khi nảy sinh những khó khăn trong quá trình đền bù và thu hồi đất sẽ có tác dụng rất lớn tháo gỡ khó khăn đẩy  nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Bằng các biện pháp giải quyết hợp lý, đến nay, huyện Yên Mỹ đã vận động và đền bù thiệt hại đất đai, tài sản, hoa màu... cho gần 100 nghìn lượt hộ dân với diện tích   đất đã bàn giao 700 ha cho 116 dự án vào đầu tư trên địa bàn huyện, trong đó có nhiều dự án lớn như: dự án thép Việt Ý, dự án dệt may, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phố Nối A... Điển hình gần đây nhất trong thời gian chỉ hơn 2 tháng, huyện đã hoàn thành việc lập phương án đền bù, thực hiện phương án đền bù và bàn giao khoảng 150 ha đất cho tập đoàn Su mi mô tô (Nhật Bản), đây là một dự án đầu tư lớn  xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở tỉnh.

Việc tiếp nhận các dự án đầu tư đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội  tạo thế phát triển mới cho huyện từ một huyện nông nghiệp trở thành một huyện công nghiệp - thương mại, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 20%/năm,  cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 24,6%, công nghiệp chiếm 33,4%, dịch vụ thương mại chiếm 42%, nhiều xã như Giai Phạm, Liêu Xá, Nghĩa Hiệp... có hoạt động dịch vụ thương mại phát triển, hàng nghìn lao động làm việc trong các nhà máy xí nghiệp, thu nhập bình quân đầu người hơn 8,7 triệu đồng/năm...


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
16 người đang online