Lợi thế thu hút đầu tư của huyện Yên Mỹ

        Yên Mỹ hiện được đánh giá là một trong những huyện phát triển kinh tế năng động của tỉnh Hưng Yên. Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp. Những năm qua, bằng những chính sách thiết thực và chiến lược đầu tư đúng hướng, Yên Mỹ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

       - Diện tích: 92,50 km2

     - Dân số: 160.000 người

     - Mật độ bình quân: 1.534 người/km2

     - Đơn vị hành chính: 01 thị trấn, 16 xã

     - Thu nhập bình quân: 57,36 triệu đồng/người/năm

     - Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 3,22%; Công nghiệp, xây dựng 83,25,%; Thương mại - dịch vụ 13,54%

                      (Nguồn: Uỷ ban nhân dân huyện Yên Mỹ  năm 2018)

      Lịch sử huyện Yên Mỹ được khai khẩn từ thời các vua Hùng dựng nước. Địa bàn huyện Yên Mỹ ngày nay, xưa là vịnh Lạc được kiến tạo từ phù sa sông Hồng bồi tụ. Thời Hùng Vương thứ VI, cư dân Việt cổ từ các tỉnh miền trung du Bắc Bộ, Thanh Hoá di cư tới vùng đất này quần tụ, mở làng, lập ấp. Những cư dân đầu tiên cũng như sau này trên địa bàn huyện Yên Mỹ chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm nghề thủ công. Dưới thời các vua Hùng (2879 -  257 trước Công nguyên), Yên Mỹ nằm trong lộ Dương Tuyền - nước Văn Lang. Là mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời, bên cạnh những nét văn hoá được hình thành từ thuở khai trang, lập ấp, Yên Mỹ còn mang trong mình những nét đặc sắc của vùng văn hoá Kinh Bắc, kinh kỳ do các yếu tố lịch sử để lại. Sau khi tỉnh Hưng Yên được tái lập năm 1997, ngày 1/9/1999, huyện Yên Mỹ được tái lập theo nghị định số 60/NĐ-CP của chính phủ gồm 17 đơn vị hành chính là thị trấn Yên Mỹ và 16 xã.

     Nằm về phía bắc của tỉnh Hưng Yên, phía đông và đông nam giáp huyện Ân Thi, phía tây giáp huyện Văn Giang, phía tây nam và phía nam giáp huyện Khoái Châu, phía bắc giáp huyện Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ là trung tâm đầu mối của tỉnh, có thể giao thương thuận tiện với nhiều khu vực. Nằm giữa hai "chân kiềng" của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Hà Nội và Hải Phòng, Yên Mỹ đang có những lợi thế to lớn để phát triển. Biến lợi thế thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển luôn là nỗi trăn trở của các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện. Với việc triển khai thực hiện những quyết sách đúng đắn cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, một cuộc sống mới đang dần được định hình trên quê hương Yên Mỹ. Trong đó, công nghiệp phát triển nhanh đang tạo ra thế và lực mới đưa Yên Mỹ bắt kịp, hội nhập nhanh với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

      Phát triển nông nghiệp

Trong định hướng phát triển nhằm đưa Yên Mỹ bắt kịp với sự phát triển của cả nước, Huyện ủy, UBND huyện Yên Mỹ chỉ rõ: Tập trung chỉ đạo phát triển hàng hóa nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, gắn trồng trọt, chăn nuôi với công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao đời sống của người dân và từng bước đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 1,25%. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới, với 15 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 13 vùng trồng rau mầu, 15 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, bình quân mỗi xã quy hoạch từ 2 – 3 vùng sản xuất với quy mô trên 10 ha.

     

                                     ( Nông dân Yên My thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn)

   Những chủ trương đúng của huyện Yên Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị hàng hoá cao trên một đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân trên một diện tích canh tác tăng từ 31 triệu đồng (năm 2000) lên 141 triệu đồng (năm 2018). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ, tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi. Quan trọng hơn là sự đổi thay trong nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp, không đơn thuần là nghề chân lấm tay bùn mà đã trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cao và ổn định.
       

               Phát triển công nghiệp

         Trong phát triển công nghiệp của huyện Yên Mỹ chỉ rõ: "Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tốc độ cao, đưa Yên Mỹ trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp của tỉnh Hưng Yên. Công nghiệp là đòn bẩy, trọng tâm đột phá trong phát triển kinh tế địa phương. Ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế huyện và tỉnh. Các khu công nghiệp được bố trí dọc theo quốc lộ 5 và quốc lộ 39, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hoá với các đô thị lớn".

       Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXVII và quy hoạch tổng thể của tỉnh, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng luôn được huyện thực hiện một cách nhanh chóng, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ triển khai dự án. Có được những kết quả đáng khích lệ đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện và sự đồng lòng của người dân. Bởi thông qua việc kết hợp các xã nằm trong quy hoạch chuyển đổi một phần quỹ đất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiến hành xây dựng các phương án, thủ tục về thu hồi đất, quy chế và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khiến người dân đã ý thức được rằng: họ không bị "bỏ rơi" khi dành đất canh tác cho sản xuất công nghiệp mà còn được tiếp nhận vào các nhà máy khi các dự án trên địa bàn huyện đi vào hoạt động.

        Nếu như năm 1999 chỉ có một dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn, thì đến năm 2018 huyệnYên Mỹ đã trở thành một trong ba huyện thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài mạnh nhất tỉnh Hưng Yên. Lần lượt các khu công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia và vùng được xây dựng trên đất Yên Mỹ như Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B, Phố Nối A, Khu công nghiệp Thăng Long II... Đồng thời các cụm công nghiệp địa phương tại thị trấn Yên Mỹ, các xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Tân Lập, Liêu Xá cũng được phát triển. Điều quan trọng hơn là thu hút một lượng lớn lao động nông nghiệp vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp và phát triển nhiều loại hình dịch vụ kèm theo. Qua đó, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt". Thành tựu phát triển công nghiệp ở huyện Yên Mỹ đã góp phần trong việc đưa tỉnh Hưng Yên gia nhập vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

       Yên Mỹ đã và đang thật sự trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Sau 19 năm tái lập, toàn huyện đã có hàng trăm dự án công nghiệp đi vào sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn theo hướng tăng dần lao động trong lĩnh vực công nghiệp, giảm số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo động lực thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ phát triển mạnh. Không những thế, ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Yên Mỹ được duy trì và phát triển mạnh như nghề sản xuất chế biến lương thực thực phẩm ở thị trấn Yên Mỹ, nghề mộc mỹ nghệ ở Thanh Long, nghề đóng thùng bệ ô tô ở Trung Hưng, sản xuất Miến dong ở thôn Lại Trạch, nghề tre đan ở xã Trung Hòa... Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn huyện đạt 19.755,2 tỷ đồng.

      

                                                                              ( Ngã năm vòng xuyến huyện Yên Mỹ)

          Phát triển kết cấu hạ tầng, nền tảng của sự phát triển

         Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện xác định là khâu quan trọng đối với quá trình đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trụ sở Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện khang trang, bề thế,  nhà làm việc của các ban, ngành, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học và trung tâm y tế. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng. Huyện Yên Mỹ đang tập trung xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Công trình khu lưu niệm Trung tướng Nguyễn Bình, đường QH số 1, Đường QH số 4 giai đoạn 1, Đường ĐH 42, Dự án sông Cầu Treo...

        Trong xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6 năm 2018 toàn huyện đạt chuẩn 289 tiêu chí, bình quân đạt 18,1 tiêu chí/xã, các xã trong huyện đã về đích xây dựng nông thôn mới là: Nghĩa Hiệp, Yên Phú, Hoàn Long, Giai Phạm, Ngọc Long, Tân Lập, Liêu Xá...Hoàn thành công tác lập quy hoạch vùng huyện, lập chương trình phát triển đô thị huyện, Đề án công nhận Đô thị loại V cho 4 xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Tân Lập, qua đó tạo bộ mặt nông thôn ở Yên Mỹ có sự đổi thay rõ rệt về diện mạo.

        Trong những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo Yên Mỹ đã triển khai các nhiệm vụ quan trọng như: bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục. Những cố gắng này đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%, trung học cơ sở đạt 99,71% và Trung học phổ thông đạt 97%. Tỷ lệ phòng học kiên cố các bậc học mầm non 78,9%, tiểu học 94,5%, THCS 98,6%.

        Công tác y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thể dục - thể thao được chính quyền huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển và đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 0,36%, 16/17 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở.

        Đến năm 2018, toàn huyện có 78/85 làng được công nhận là làng văn hoá, 87% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, Yên Mỹ có hàng trăm di tích lịch sử văn hoá được công nhận, đặc biệt là khu di tích thờ danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Liêu Xá, khu nhà tưởng niệm tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được đầu tư tôn tạo, xây dựng thêm nhiều hạng mục thu hút khách thăm quan du lịch trong và ngoài huyện.

    

         ( Giao thông thuận lợi giúp cho Yên Mỹ thu hút nhiều dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn)

  Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội là hướng đi đúng đắn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Mỹ đã lựa chọn và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai, đưa Yên Mỹ trở thành một trong những "địa chỉ vàng" của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Diện mạo kinh tế Yên Mỹ đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những sắc màu tươi mới.

Tuấn Đạt - Văn Chung- Đài truyền thanh huyện

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
18 người đang online