Sản xuất nông nghiệp an toàn ở huyện Yên Mỹ

Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mỹ đang ngày càng bị thu hẹp do chuyển mục đích sang công nghiệp, đô thị. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng theo hướng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Huyện Yên Mỹ hiện có trên 3.700 ha đất canh tác nông nghiệp, giảm gần 650 ha so với năm 2020. Tuy giảm về diện tích nhưng nhờ tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả nên giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn tương đối ổn định. Để tăng cường liên kết nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời hướng tới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trên địa bàn huyện đã duy trì, phát triển nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX sarn xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP

Xã Hoàn Long hiện có 362 ha đất canh tác nông nghiệp. Đến nay, 100% diện tích đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã đã thành lập được 6 tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP và 2 HTX sản xuất nông sản an toàn. HTX sản xuất ổi, rau củ quả VietGAP xã Hoàn Long có tổng diện tích canh tác của các thành viên HTX trên 5,5ha. Hiện tại, các diện tích này đang trồng ổi và rau xanh theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng rau, củ, quả ổn định, có thị trường tiêu thụ tốt. Nông sản của HTX được liên kết tiêu thụ với các HTX khác trong khu vực và sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Đồng chí Trần Văn Luyến, Phó Giám đốc HTX sản xuất ổi, rau củ quả VietGAP xã Hoàn Long cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng, có lúc có nơi rau xanh phải phá bỏ do giá thấp nhưng tại HTX việc tiêu thụ vẫn diễn ra thuận lợi với giá bán ổn định. Hiện tại, mặc dù chưa tới thời điểm thu hoạch nhưng tất cả các diện tích rau xanh của HTX đều đã được khách hàng đặt mua. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất theo quy trình VietGAP nên sản phẩm nông nghiệp của HTX luôn có đầu ra ổn định với giá bán cao hơn giá bán trung bình của người dân trong cùng địa bàn. Các sản phẩm rau xanh của HTX đã và đang ngày càng có mặt nhiều hơn tại các cửa hàng rau sạch, an toàn, các siêu thị lớn trên cả nước.

Tại xã Yên Phú, bên cạnh việc phát triển sản xuất rau xanh theo quy trình VietGAP, nhiều diện tích cây ăn quả của xã cũng đã được liên kết, áp dụng quy trình VietGAP đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. HTX cây ăn quả xã Yên Phú thành lập năm 2019 với 11 thành viên có tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 30 ha, trong đó có trên 200 ha trồng cam đường canh. Đến nay, 100% diện tích trồng cây ăn quả của HTX đều đạt chứng nhận VietGAP. Năm 2020, năng suất trung bình từ trồng cam đường canh của HTX đạt 1,7 tấn/sào, trừ chi phí cho thu nhập trên 30 triệu đồng/sào. Năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên năng suất giảm. Hiện tại, thành viên HTX đang tích cực chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là cam, bưởi, chuối nhằm giữ ổn định chất lượng đồng thời liên kết tìm đầu ra cho nông sản để nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống người nông dân.

Việc thay đổi từ thói quen canh tác truyền thống sang sản xuất an toàn đồng thời tăng cường các mối liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác, HTX đã tạo chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Mỹ. Từ khi tham gia vào các tổ hợp tác, HTX, người nông dân đã có ý thức hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và trực tiếp nhất là người sản xuất, người tiêu dùng đã và đang dần được loại bỏ.

Để sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả cao, trong những năm qua, huyện Yên Mỹ thường xuyên chú trọng công tác khuyến nông phục vụ sản xuất, tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hệ thống đường giao thông nông thôn, nội đồng và kênh mương thủy lợi được huyện quan tâm đầu tư, cải tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Ngoài ra, huyện phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn xây dựng mô hình sản xuất các loại cây trồng mới và áp dụng khoa học - kỹ thuật gắn với an toàn lao động vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn, VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc…

 Đồng chí Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả phù hợp với lợi của từng vùng canh tác đã bước đầu đem lại hiệu quả. Trên địa bàn huyện Yên Mỹ hiện đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa, hiệu quả cao như: Vùng trồng cây ăn quả có múi tại các xã Minh Châu, Yên Phú, Lý Thường Kiệt, Yên Hòa, Hoàn Long; vùng trồng ổi lê Đài Loan ở xã Hoàn Long; vùng trồng rau màu VietGAP tại xã Yên Phú, Hoàn Long, Việt Cường… Các mô hình sản xuất cho thu nhập tăng từ 8 - 15 lần so với trồng lúa... Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, an toàn đồng thời liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản nhằm phát huy hiệu quả trong sản nông nghiệp an toàn trên địa bàn huyện.

Sản xuất cam đường canh theo quy trình VietGAP tại xã Yên Phú

Sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP tại xã Hoàn Long

Đặng Tuấn Đạt - Đài truyền thanh Yên Mỹ