Yên Mỹ: Nông dân trồng dưa lê được mùa, được giá

Những ngày hè này, nông dân một số xã ở Yên Mỹ đang vào vụ thu hoạch dưa lê- một loại cây đã được trồng xen canh với cây lúa và rau màu khác từ nhiều năm nay. Vụ này, người trồng dưa lê phấn khởi vì dưa được mùa, chất lượng quả ngon ngọt, bán được giá cao, đem lại thu nhập khá trong thời điểm nông nhàn.

Trong số hàng trăm ha rau màu của huyện Yên Mỹ, nhiều xã như Đồng Than,  Hoàn Long, Ngọc Long, Yên Phú vẫn duy trì được hơn 30 mẫu dưa lê. Được biết từ nhiều năm trước, cây dưa lê đã được du nhập vào đồng ruộng Yên Mỹ, thời điểm phát triển diện tích mạnh có xã trồng hàng trăm mẫu mỗi vụ. Tuy nhiên, do là loại cây trồng “khó tính”, cần có biện pháp chăm bón nhất định mới đem lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích cây dưa lê bị giảm đáng kể. Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ dưa mạnh trở lại, giá bán tăng rõ rệt nên người dân dần phát triển diện tích trở lại để có thu nhập cao hơn từ đồng đất của mình.

 

Nông dân Yên Mỹ thu hoạch dưa lê

 

Tại xã Đồng Than, trên những ruộng dưa, từ sáng sớm người nông dân đã ra đồng chăm bón, thu hoạch để kịp xuất bán cho thương lái. Ông Chu Mạnh Thuộc, nông dân thôn Ốc Nhiêu, xã Đồng Than phấn khởi cho biết: “Nhờ thời tiết năm nay khá thuận lợi, cộng với kinh nghiệm trồng dưa nhiều năm của người dân nên năng suất, chất lượng quả đều tốt. Hiện tại, thương lái đến tận ruộng dưa mua với giá từ 9.000 -12.000 đồng/kg, mỗi ngày, gia đình tôi bán được hơn 1 tạ dưa. Bình quân mỗi sào dưa cho thu hoạch khoảng 5 – 7 triệu đồng, trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 4 – 5 triệu đồng/sào”. Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, người trồng dưa học cách đánh luống, tạo giàn để dưa phát triển tốt, tránh được sâu hại quả. Dưa lê trồng phổ biến từ khoảng tháng 2 đến tháng 3 dương lịch và thu hoạch rộ vào dịp tháng 5 đến tháng 6. Năm nay nhờ được mùa, chất lượng dưa quả to, thơm ngọt lại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nên ngay từ đầu mùa các thương lái trong và ngoài tỉnh đã về Yên Mỹ để thu mua buôn, xuất bán đi các chợ. Dưa chín đến đâu người dân chỉ việc thu hoạch rồi cân ngay tại ruộng, không lo tiêu thụ cũng như việc vận chuyển đi lại. Anh Lê Văn Tuấn, một thương lái cho biết: “Vụ dưa chín rộ vào đúng những ngày nắng nóng nên từ vài tuần nay dưa bán rất chạy. Năm nay vì có mưa đầu mùa, khi quả chín thời tiết nắng ráo nên dưa ngọt, nhiều chợ ở Hà Nội tiêu thụ rất mạnh”.

Trao đổi với ông Chu Xuân Lức, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Than chúng tôi được biết, trước đây diện tích trồng dưa lê của xã lên đến gần 100 mẫu, những năm gần đây do biến động của thị trường, thời tiết nên diện tích đã giảm đi. Song nguyên nhân chính của việc diện tích trồng dưa giảm mạnh vẫn là do người dân chưa biết kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên việc tiêu thụ dưa lê lại ổn định, giá cao, nếu được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, được hướng dẫn kỹ thuật chăm bón thì chắc chắn diện tích dưa lê những vụ sau sẽ tiếp tục tăng”. Hiện nay, người trồng dưa lê tại các địa phương ở Yên Mỹ mới chỉ trồng và chăm sóc dưa lê theo kinh nghiệm và tự học hỏi lẫn nhau. Vì chủ yếu dưa trồng trên đất thịt nên theo đặc tính của cây phải làm đất kỹ, xới xáo thường xuyên để cây thoáng gốc, hấp thụ chất dinh dưỡng. Dưa lê cũng ưa các loại phân hữu cơ, điều kiện đất ẩm, không ngập úng và đủ ánh sáng để ra hoa đậu quả thuận lợi. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng sẽ thu hoạch quả chín. Tùy vào điều kiện canh tác, chăm sóc mà người trồng có thể bắc giàn cho dưa hoặc đánh luống bình thường để dưa bò lan trên mặt đất. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phương pháp chăm bón, dưỡng quả, có biện pháp giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng, phát triển của cây dưa. Bởi cũng chính vì những ảnh của thời tiết, sâu bệnh nên năng suất, chất lượng dưa không đều.

Bà  Đào Thị Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Mỹ cho hay: “Cây dưa lê là loại cây tiềm năng có giá trị kinh tế cao nhưng diện tích hiện giờ chủ yếu tập trung ở một số xã, thời gian tới huyện sẽ có kế hoạch phối hợp với các địa phương nghiên cứu đầu ra, đồng thời có biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ trong sản xuất để người nông dân phát triển diện tích bền vững cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”. Nông dân trong huyện cũng rất hy vọng sớm nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hiệu quả để yên tâm phát triển loại cây này, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Theo baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
14 người đang online