Xu thế chuyển đổi số ở làng nghề mộc Thuỵ Lân

Nghề mộc thì không còn xa lạ với chúng ta, nhưng không giống với những sản phẩm gỗ thông thường, làm mộc mỹ nghệ tức là những sản phẩm được tạo ra không chỉ có giá trị vật chất phục vụ nhu cầu hàng ngày của con người mà còn mang những giá trị về thẩm mỹ, tinh thần, thưởng thức nét tinh hoa văn hóa qua những họa tiết, hoa văn đặc sắc. Và nói đến làng nghề mộc mỹ nghệ mà không nhắc đến Thụy Lân – Thanh Long thì quả là sự thiếu sót.

Làng nghề mộc truyền thống Thụy Lân được công nhận từ năm 2008, tuy chưa phải lâu đời nhưng những sản phẩm mộc của Thụy Lân luôn có nét đặc trưng riêng, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, hài hòa, tinh tế.  Làng nghề hiện có khoảng 200 hộ làm nghề, với sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế, kệ, sập, đồ mỹ nghệ… tạo công ăn việc làm cho trên 400 lao động.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, mẫu mã được cải tiến, sản phẩm đa dạng. Không những vậy, các hộ sản xuất còn thiết lập được các nhóm sản xuất chuyên môn như: chuyên bàn ghế, giường tủ, chạm trổ gia công thuê, khiến hoạt động của làng nghề ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Nhờ vậy, các sản phẩm mộc của làng nghề Thuỵ Lân hiện nay không chỉ bền, chắc mà còn ngày càng đẹp và tinh xảo, được khách hàng đánh giá cao và ưa chuộng.

Ngày 8/2/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể số 410651 mang tên “Mộc Thụy Lân” cho chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân xã Thanh Long. Các sản sản phẩm được dán tem nhãn hiệu tập thể, truy xuất được nguồn gốc. Nhiều hộ gia đình trong Làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất và sản phẩm của Làng nghề được tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo đến với đông đảo khách hàng. Nhờ vậy, sản phẩm mộc mỹ nghệ của Làng nghề đều đặn xuất ra thị trường. Mặc dù, sản lượng tiêu thụ không thể bằng trước đây nhưng hình thức kinh doanh online đã giúp cho nhiều hộ gia đình vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người lao động.

Có thể nói rằng, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị đang là thách thức không nhỏ đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Đặng Tuấn Đạt- TTVHTT huyện

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
33 người đang online